Xây dựng kế hoạch cưới từ A-Z chỉ bằng 3 bước
Sau những tháng ngày hẹn hò, yêu đương ngọt ngào, hai bạn quyết định "về chung một nhà". Tuy nhiên vẫn chưa biết cần làm gì, nên bắt đầu từ đâu để có được một lễ cưới trọn vẹn và suôn sẻ.
Cùng The Simple lên kế hoạch cưới chi tiết ngay từ sớm để không phải lo lắng về ngày cưới, chỉ cần thoải mái trở thành cô dâu chú rể hạnh phúc nhất mà thôi!
3 BƯỚC LÊN KẾ HOẠCH CƯỚI CHI TIẾT
Bước 1: Kế hoạch gặp mặt hai bên gia đình
Cưới xin là việc trọng đại, hai gia đình cần một ngày gặp gỡ để cùng bàn bạc, thống nhất về những nội dung cưới hỏi quan trọng:
- Nhà trai chính thức đặt vấn đề về việc tổ chức đám cưới cho đôi trẻ với nhà gái.
- Thống nhất về hình thức, ngày giờ tổ chức.
- Thống nhất về sính lễ cưới, số lượng mâm quả ăn hỏi, chi phí, phân công công việc cơ bản.
Bước 2: Xác định cơ bản các nội dung cần chuẩn bị
Cô dâu chú rể cần ngồi lại để cùng tìm hiểu, bàn bạc và quyết định những vấn đề cơ bản liên quan tới lễ cưới bao gồm:
- Ngân sách dành cho việc chuẩn bị cưới hỏi
- Địa điểm tổ chức tiệc cưới (Tại gia hay thuê sảnh cưới, thực đơn tiệc...)
- Dịch vụ tổ chức đám cưới, trang trí gia tiên, trang trí đám cưới, sính lễ ăn hỏi.
- Chụp ảnh cưới, chụp ảnh phóng sự đám hỏi, phóng sự ngày cưới.
- Dịch vụ cho thuê/may áo cưới, vest cưới, trang điểm cô dâu, làm tóc...
- Thiết kế và in thiệp mời cưới (nên làm sau khi đã chốt được danh sách khách mời và chọn được địa điểm tổ chức cưới).
Bước 3: Lên chi tiết cụ thể cho các nội dung cưới chính
Từ những nội dung cưới cơ bản đã xác định được ở bước 2, bạn cần liệt kê chi tiết các công việc cần làm cho mỗi nội dung.
Ví dụ để tìm được địa điểm tổ chức tiệc cưới phù hợp, bạn cần:
- Lên danh sách khách mời, có số lượng cụ thể mới quyết định được không gian tiệc như thế nào.
- Khách mời bao gồm những ai, từ đó quyết định lựa chọn thực đơn tiệc đảm bảo phù hợp nhất với khẩu vị chung.
- Tại địa điểm cưới bạn chọn có những dịch vụ đi kèm như thế nào: Đồ uống, trang trí, âm thanh, ánh sáng... có đảm bảo tiêu chí mà bạn cần hay không. Nếu không có các dịch vụ đó thì bạn cần bổ sung thêm hạng mục trang trí, âm thanh ánh sáng dành riêng cho sân khấu tiệc cưới...
Tương tự, bạn lên chi tiết những việc cần làm và đưa chúng vào các nội dung chính cần chuẩn bị. Kèm theo đó là ngân sách dự chi cho mỗi hạng mục, hãy cân bằng giữa ngân sách thực tế và những hạng mục cần thiết cho đám cưới.
Nên chia ngân sách cưới thành 2 phần: Ngân sách cố định & Ngân sách dự phòng cho những phát sinh chưa lường trước được.
Ngoài ra bạn nên tham khảo kinh nghiệm từ bạn bè, người quen đã cưới để phân chia ngân sách phù hợp cho mỗi hạng mục chuẩn bị.
Kế hoạch chi tiết cho đám cưới là bước quan trọng không thể thiếu, hãy lên một bản kế hoạch theo những gợi ý đã tổng hợp phía trên để bản thân được thư giãn, thoải mái và có thể tận hưởng được hết cảm giác hạnh phúc trong ngày trọng đại nhé!
Nguồn: Marry