5 Tips hướng dẫn cách ghi thiệp giúp bạn có tấm thiệp cưới chuẩn “không cần chỉnh”
Đám cưới là một sự kiện đặc biệt và quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi cặp đôi và những chiếc thiệp cưới tinh tế và chất lượng là một cách tuyệt vời để chia sẻ niềm vui này với gia đình và bạn bè. Thiệp cưới là khâu vô cùng quan trọng nhằm tạo được ấn tượng và đẹp lòng trọn vẹn quan khách.Tuy nhiên nhiều cô dâu chú rể có thể cảm thấy bối rối vì không biết cách viết thiệp cưới sao cho chuẩn nhất? Cách điền các thông tin sao cho phù hợp với từng đối tượng khách mời? Dưới đây là 5 tips hướng dẫn chi tiết giúp bạn có tấm thiệp cưới chuẩn “không cần chỉnh”:
Tips 1: Phân biệt Lễ Vu Quy, Tân Hôn, Thành Hôn
- Lễ Vu Quy
Lễ Vu Quy chính là tên gọi của lễ cưới khi nó được tổ chức ở nhà cô dâu. Lễ này thường được tổ chức trước ngày rước dâu 1 ngày. Trong buổi lễ này, nhà gái đãi toàn bộ họ hàng, hàng xóm, những bạn bè, đồng nghiệp, người thân của cô dâu và một số đại diện bên họ đàn trai.
Vì tiệc gần như là khách mời của bên nhà gái nên trên thiệp cưới sẽ đề chữ “Lễ Vu Quy” và ghi rõ: “Trân trọng báo tin Lễ Vu Quy của con chúng tôi”.
Trên tờ báo hỷ, nếu phân chia bố cục ngang 2 bên, thì tên bố mẹ cô dâu sẽ nằm bên tay trái, còn tên bố mẹ chú rể nằm bên tay phải. Nếu bố cục sắp xếp theo kiểu để trên dưới thì tên bố mẹ cô dâu sẽ nằm trên, còn bố mẹ nhà trai sẽ ở dưới. Tên cô dâu đứng trước, tên chú rể đứng sau. Nhưng The Simple thấy rằng đa số các cặp đôi sẽ chọn để tên bố mẹ theo bố cục 2 bên để tránh bị mất lòng.
- Lễ Tân Hôn
Sau khi hoàn thành Lễ Vu Quy, tiếp đến là Lễ Tân Hôn khi nàng dâu về nhà chồng với mục đích là thông báo với ông bà, quan viên về việc nhận con dâu mới. Đây là buổi lễ được tổ chức tại gia đình nhà trai thường sẽ làm sau Lễ Vu Quy 1 ngày. Từ Tân Hôn đặc biệt quen thuộc tại các tỉnh phía Nam và thường được sử dụng ở cổng hoa, phông nền tại nhà trai.
Vì tiệc là khách mời của bên nhà trai nên trên thiệp cưới sẽ đề chữ “Lễ Tân Hôn” và ghi rõ: “Trân trọng báo tin Lễ Tân Hôn của con chúng tôi”.
Trái ngược với Lễ Vu Quy, tên bố mẹ chú rể sẽ để bên tay trái, tên bố mẹ cô dâu sẽ để bên tay phải trong trường hợp bố cục ngang 2 bên. Còn nếu bố cục kiểu trên dưới thì nhà trai phía trên, nhà gái phía dưới. Tên chú rể đứng trước, tên cô dâu đứng sau.
- Lễ Thành Hôn
Lễ Thành Hôn được xem như là một buổi tiệc thường đãi khách chung được tổ chức ở nhà hàng hay khách sạn nhằm chính thức cặp đôi dưới sự tác thành của hai bên gia đình trước khi đôi trẻ về sống với nhau. Đây cũng là một hình thức xin phép và thông báo với bàn thờ tổ tiên, dòng họ hai bên cũng như các vị khách mời rằng gia đình đã sắp có thêm một nàng dâu hiền, một chàng rể thảo mới, dưới sự chứng kiến của tất cả mọi người.
Từ "Lễ Thành Hôn" được in trên thiệp cưới của cả gia đình cô dâu và chú rể ghi rõ: “Trân trọng báo tin Lễ Thành Hôn của con chúng tôi”.
Thường với những thiệp Lễ Thành Hôn thì tên ba mẹ chú rể sẽ được đặt nằm bên trái, nhà gái nằm bên phải, thay đổi bố cục trên dưới thì nhà trai sẽ nằm trên, nhà gái nằm dưới, tên chú rể đứng trước, tên cô dâu đứng sau.
Tips 2: Cách viết thông tin về bố mẹ hai bên gia đình
Mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau nên chắc chắn phần thông tin này trong thiệp cưới cũng muôn hình vạn trạng. Chính vì lý do này mà trước khi đặt làm thiệp, hai bên cha mẹ cần có sự thống nhất ngay từ đầu.
- Đối với các gia đình theo đạo Công giáo, thêm tên Thánh và đặt tên Thánh vào trước tên cha mẹ, tên cô dâu chú rể.
- Đối với các gia đình Phật tử, một số ít sử dụng Pháp danh của cha/mẹ cô dâu chú rể vào thiệp.
Bên cạnh những gia đình có đầy đủ các đấng sinh thành thì cũng có gia đình đơn chiếc chỉ có cha hoặc mẹ hoặc không còn ai. Nếu ở trong tình huống đó thì phải đề những thông tin như thế nào mới phù hợp? The Simple gợi ý cho các bạn 1 số cách:
- Trường hợp bố đã qua đời có các cách ghi như sau:
- Cách 1: Bà. Nguyễn Kim Thanh
- Cách 2: Bà Quả Phụ. Nguyễn Kim Thanh
- Cách 3: Bà Quả Phụ. Trần Văn Sang
Nhũ Danh. Nguyễn Kim Thanh
- Cách 4: Cố phụ. Trần Văn Sang
Bà. Nguyễn Kim Thanh
- Trường hợp mẹ đã qua đời:
- Cách 1: Ông. Trần Văn Sang
- Cách 2: Ông Trần Văn Sang
Cố Mẫu. Nguyễn Kim Thanh
- Trường hợp cả bố và mẹ đều qua đời:
- Cách 1: Quyền Huynh Thế Phụ
Anh. Trần Văn Sơn
Chị. Lê Ngọc Diễm
- Cách 2: Thay mặt Song Thân Quá Cố / Chủ Hôn
Chú. Trần Văn Tín
Thím. Nguyễn Thị Tiên
- Cách 3: Cố phụ. Trần Văn Sang
Cố Mẫu. Nguyễn Kim Thanh
Tips 3: Phân biệt cách ghi danh xưng
Việc xưng hô trong thiệp cưới cũng tùy thuộc vào thứ tự, vị trí của cô dâu và chú rể trong gia đình:
- Phía nhà trai:
- Trưởng Nam: Con trai lớn nhất trong gia đình
- Thứ Nam: Con trai giữa trong gia đình
- Út Nam: Con trai nhỏ nhất trong gia đình
- Quý Nam: Con trai duy nhất trong gia đình
- Phía nhà gái
- Trưởng Nữ: Con gái lớn nhất trong gia đình
- Thứ Nữ: Con gái giữa trong gia đình
- Út Nữ: Con gái nhỏ nhất trong gia đình
- Ái Nữ/Quý Nữ: Con gái duy nhất trong gia đình
Trong trường hợp cô dâu hay chú rể theo đạo thì cần ghi tên Thánh trước tên thật. 1 số cặp đôi nếu thấy không cần thiết thì cũng có thể bỏ phần này không cần ghi lên thiệp
Tips 4: Phân biệt về hôn lễ và tiệc mời khách đến dự tiệc cưới
Nhiều người vẫn còn lầm tưởng giữa giờ tổ chức hôn lễ với thời gian tiếp đãi khách, do đó khi thiết kế mẫu thiệp cưới cặp đôi cần chú ý mà tách bạch hai thông tin này.
Ngày giờ cử hành hôn lễ được hiểu là ngày làm lễ rước dâu về nhà trai. Giờ này ghi trên thiệp chủ yếu là để thông báo cho bà con họ hàng thân thiết nên được viết rõ cả ngày dương lẫn ngày âm lịch.
Đối với cô dâu chú rể có đạo, sẽ có thêm lễ Thánh ở nhà thờ, nên cần ghi rõ giờ làm lễ và tên Thánh Đường để quan khách cùng đạo đến tham dự và chúc phúc. Đối với cô dâu chú rể theo đạo Phật, cần ghi rõ địa điểm Chùa, thời gian tổ chức Lễ Hằng Thuận.
Phần mời khách đãi tiệc: Đây thường là phần khách mời quan tâm nhất nên tốt hơn hết bạn nên ghi rõ thông tin nhà hàng tiệc cưới gồm địa chỉ tên đường, phường, quận và tên sảnh cưới, nhằm tránh khách đi nhầm sảnh hoặc lạc đường. Chính vì vậy, thiệp cưới nên có bản đồ chỉ đường để khách dễ hình dung.
Tips 5: Kiểm tra thật kỹ lỗi chính tả trên thiệp cưới
Vấn đề in ra bị sai chính tả là điều khá phổ biến mà nhà in lẫn khách hàng không thể kiểm soát được. Do đó nếu được các bạn và gia đình hãy kiểm tra thật kỹ từng câu, từng chữ, dấu chấm, dấu phẩy khi nhà in gửi file hình thiệp cưới qua cho bạn đề phòng sai sót, tránh không kịp thời gian phát thiệp cho khách mời. Vì nhà in 1 ngày sẽ xử lý rất nhiều đơn hàng nên điều này sẽ không tránh khỏi, đời người chỉ cưới 1 lần nên chắc chắn bạn sẽ không tiếc thời gian để có 1 tấm thiệp cưới hoàn hảo đúng không.
Mong là 1 vài tips nho nhỏ này giúp cho các cặp đôi có được những tấm thiệp cưới ưng ý, không chỉ đẹp mà còn thật đúng với lễ nghĩa và mang đầy đủ thông điệp của cả hai dành cho khách mời.
Nguồn: The Simple