Mùa cưới tháng mấy? Những sự thật về mùa cưới các cặp đôi không thể bỏ qua
Mùa cưới tháng mấy? Theo nhiều người, mùa cưới thường rơi vào những tháng cuối năm bởi đây là thời điểm khô ráo, ít bị ảnh hưởng của thời tiết hay các điều kiện tự nhiên. Tuy nhiên, liệu đây có phải là sự thật hay không hay chỉ là lời suy đoán? Hãy cùng đi tìm sự thật về mùa cưới qua nội dung bên dưới nhé!
Mùa cưới theo quan niệm ngày xưa
Các cụ ngày xưa thường cho rằng, mùa cưới sẽ bắt đầu vào mùa thu năm nay và kéo dài đến hết mùa xuân năm sau. Nói như vậy, không có nghĩa là những tháng khác không được tổ chức đám cưới, chẳng qua là vì các đám cưới sẽ thường tập trung vào thời điểm đó.
Quan niệm này bắt đầu từ việc nước Việt Nam là nước nông nghiệp nên chuyện gì cũng phải đợi đến khi các công việc đồng áng kết thúc. Đầu mùa thu, tức tháng 8 là thời điểm mùa gặt hoàn tất, lúc này ai ai cũng đều thảnh thơi, lúa gạo đầy nhà nên sẽ dễ tính chuyện cưới hỏi hơn, cuối năm cũng có thêm người, thêm tiếng cười, mang lại hạnh phúc, ấm no cho cả gia đình. Bà con họ hàng, thân thích, chòm xóm cũng dễ tham dự đám cưới, chung vui với gia đình hai bên hơn. Hơn thế nữa, thời tiết vào thu lại rất mát mẻ, êm dịu nên tổ chức đám cưới sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Đám cưới ngày xưa thường đơn giản và được tổ chức sau khi đã xong việc đồng áng
Tuy nhiên, ở một số tỉnh miền Tây, tháng Giêng, sau Tết Nguyên Đán lại là “thời điểm vàng” để các cặp đôi tiến hành đám cưới. Bởi thế, người ta mới có câu hát “Ra Giêng anh cưới em”, tức ra tháng Giêng, anh sẽ rước nàng về dinh.
Mùa cưới theo quan niệm ngày nay
Thời nay, dù có người cho rằng, mùa cưới rơi vào thời điểm cuối năm bởi đây là lúc người người, nhà nhà đều nô nức mong chờ đến không khí sôi động của các lễ hội như Giáng Sinh, Tết Tây, Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, khái niệm cụ thể về mùa cưới hay quan điểm phải cưới vào thời gian này cũng không còn quá quan trọng nữa. Giờ đây, chỉ cần ngày đẹp theo thuyết Ngũ hành hay phong thủy là đã có thể tổ chức đám cưới, bất kể nắng mưa, mùa đông hay mùa hè, tháng Giêng hay tháng Tám, “mình thích thì mình cưới thôi”!
Đám cưới ngày nay: Mình thích thì mình cưới thôi!
Dù vậy, theo ghi nhận, khoảng thời gian cao điểm cho các đám cưới thời hiện đại vẫn diễn ra nhiều nhất là vào tháng 8, tháng 9 âm lịch nhờ thời tiết dễ chịu. Các cặp đôi cũng sẽ dễ di chuyển đến các địa điểm chụp ảnh cưới hơn và có riêng cho mình bộ ảnh cưới lung linh, xinh đẹp. Chắc hẳn, chẳng ai thích chụp ảnh cưới mà mồ hôi nhễ nhại do cái nắng ngày hè, làm tô đi lớp make-up lộng lẫy, đúng không nào?
Tuy nhiên, khi cưới vào thời gian này, các cặp đôi cần phải đặt lịch trước, đôi khi là hai ba tháng ở các nhà hàng để tránh bị mất chỗ, ảnh hưởng đến hôn lễ nhé!
Những điều thú vị về lễ cưới các cặp đôi không thể bỏ qua
1. Thời gian tổ chức đám cưới
Do công việc của mọi người trong thời hiện đại khá bận rộn, đặc biệt là với dân văn phòng, kinh doanh,... nên đám cưới thường diễn ra vào thứ 7, Chủ nhật với hai khung thời gian: 11h00 hoặc 18h00. Đây đều là những khoảng thời gian trùng với bữa trưa, bữa tối của mọi người nên sẽ tiện hơn cho các vị khách quan.
2. Kiêng tổ chức đám cưới vào tháng 7 âm lịch
Tháng 7 âm lịch được xem là tháng “cô hồn”, tháng của sự chia ly (truyền thuyết Ngưu Lang - Chức Nữ) nên nhiều người xem đây là tháng kiêng kỵ, không nên tổ chức đám cưới bởi gia đình sẽ dễ xào xáo, bất ổn, không hạnh phúc. Hơn thế nữa, tháng 7 còn là tháng mưa ngâu nên thời tiết lúc này cũng chưa được dễ chịu cho lắm, đôi khi sẽ khiến một số khu vực, vùng miền đi lại khó khăn, như miền quê Tây Nam Bộ, miền Trung hay các vùng núi phía Bắc.
3. Mâm quả cưới hỏi ba miền Bắc - Trung - Nam hoàn toàn không giống nhau!
Do quan niệm và phong tục khác nhau, bắt nguồn từ thời xa xưa nên mâm quả cưới hỏi của miền Bắc, miền Trung và miền Nam hoàn toàn khác biệt. Sự khác biệt này được thể hiện như sau:
- Miền Bắc: Mâm quả cưới cần phải trang trọng, cầu kỳ với đặc trưng Trong chẵn, ngoài lẻ, trong đó, trong là số lễ vật mỗi tráp và ngoài là số lượng tráp. Tráp phải được sơn son thiếp vàng, bày theo hình tháp và phải được phủ khăn rồng phụng màu đỏ.
- Miền Trung: Mâm quả cưới chỉ cần đơn giản, chân chất là được! Số mâm quả và lễ vật phải theo số chẵn như 2, 4, 6,... và nhất định phải có 4 lễ vật bắt buộc là trầu cau, chè rượu, bánh phu thê, nến tơ hồng.
- Miền Nam: Mâm quả cưới có nhiều nét độc đáo tùy vào từng điều kiện gia đình và khu vực. Nhưng nhìn chung, mâm quả ở miền Nam bắt buộc phải có các lễ vật như trầu cau, chè rượu, bánh phu thê,... (tương tự miền Trung).
Có thể nói, mùa cưới thời hiện nay đã không còn quá quan trọng nữa mà chủ yếu dựa vào “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”, trong đó, yếu tố “nhân” là quyết định nhất. Vì vậy, chỉ cần hợp đôi, ngày đẹp là các cặp đôi đã có thể tổ chức đám cưới chứ không nhất thiết phải đợi đến mùa cưới nhé!
Nguồn: Sưu tầm